BẢO VẬT QUỐC GIA: LÁ ĐỀ GỐM SỨ THỜI LÝ CÓ HÌNH CHIM PHƯỢNG MÚA TRÊN HOA SEN
Lá đề bằng gốm thời Lý có hình chim phượng múa trên hoa sen cho thấy sự kết hợp giữa tinh thần Phật giáo và dấu ấn hoàng gia.
Nét duyên dáng của công và trĩ
Cuộc khai quật ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã làm phát lộ nhiều hiện vật là vật liệu trang trí kiến trúc. Trong số này, bảo vật quốc gia - lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý được tìm thấy trong lớp đất xáo trộn lấp phủ đè lên phần sân gạch kết nối giữa các kiến trúc hành lang tại Hoàng thành. Hiện vật này khi đó nằm trong khu vực xuất lộ rất nhiều cấu kiện trang trí mái kiến trúc được cho là có niên đại thời Lý như: tượng đầu phượng, thân rồng, lá đề cân trang trí chim phượng, lá đề lệch…
"Điều này cho thấy dường như lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long và một số cấu kiện trang trí khác tìm được ở đây vốn được lợp và trang trí cho một bộ mái", hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết.
Hoa văn chim phượng trên gốm lá bồ đề thời Lý.
Hiện vật có hình dáng giống hình lá cây bồ đề nhưng không cân xứng, nó còn được một số người gọi là "ngói nóc trang trí lá đề lệch". Chất liệu lá đề bằng đất nung, xương đất mịn cho thấy đất sét được dùng làm nguyên liệu đã được ủ và xử lý kỹ trước khi đưa vào đắp tạo hình. Toàn bộ hoa văn được khắc bằng tay.
Theo hồ sơ bảo vật, đồ án hoa văn trang trí ở hai mặt lá đề cơ bản tương đồng nhau. Chúng thể hiện chim phượng đang nhảy múa trên hoa sen, đầu ngẩng cao, mỏ chụm lại, một chân co, một chân làm trụ tạo cảm giác như đang nhún nhảy trên nền hoa dây lá. Chim phượng có mắt, hàm to và tròn giống chim trĩ. Phượng cũng có mỏ to và mào lớn hướng về phía trước giống như mỏ và mào của chim công. Đuôi dài được diễn tả với nhiều lớp, giống chim công và uốn lượn nhiều khúc vút lên đỉnh lá đề.
Các nhà nghiên cứu cho rằng phượng trên lá đề ở Hoàng thành Thăng Long này rất khác với tạo hình chim phượng Trung Hoa. Chim phượng Trung Hoa có những chuẩn mực tạo hình như hàm én, thân trước giống hươu cao cổ, thân sau giống thân hươu, lưng giống lưng rùa và đuôi giống đuôi cá.
Tuy nhiên, lá đề chim phượng do người thợ điêu khắc thời Lý làm lại có những điểm giống công và trĩ, là những loài chim đẹp thuộc họ trĩ sống phổ biến ở nam Trung Hoa và Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt. Cũng phải nói thêm, hai loại chim này lại rất hiếm có ở vùng Trung Nguyên của Trung Hoa. Chính sáng tạo từ công và trĩ này khiến phượng thời Lý - Trần trở nên đặc sắc. Sau này, khi việc tuân thủ chuẩn mực trở nên máy móc, sự sáng tạo này không còn nữa.
Tinh thần Phật giáo và hoàng gia
Dù lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long không còn đầy đủ các bộ phận nhưng dựa vào hình dáng và những dấu vết còn lại có thể khẳng định hiện vật gồm 2 phần: thân và bệ.
Ở phần thân, mặt lá đề khá tương đồng nhau, hoa văn trang trí hai mặt tương đồng, các khoảng trống được đục thủng và phần rìa được chỉnh sửa tạo cho đồ án hoa văn có cấu trúc nổi khối và hiệu ứng chiều sâu. Bệ lá đề bị mất, có thể đoán cấu trúc như một viên ngói úp. Quan trọng nhất, lá đề này vẫn được đánh giá là phiên bản còn đầy đủ và đẹp nhất của lá đề chim phượng thời Lý.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, những kiến trúc quan trọng đều được trang trí hết sức cầu kỳ, tinh xảo, đặc biệt là bộ mái kiến trúc. Bộ mái kiến trúc thời Lý cũng không ngoại lệ, với các thành tố thường có như: lá đề cân ở giữa bò mái, đầu rồng/đầu phượng, lá đề lệch…
Lá đề trang trí chim phượng đất nung ở Hoàng thành Thăng Long được tìm thấy cùng các di vật khác là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý.
Do đó, nó có giá trị trong nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc thời kỳ này. Ngoài ra, hiện vật này còn mang tính độc bản, và nằm trong số ít những lá đề có niên đại sớm nhất của thời Lý phát hiện tại Thăng Long.
Lá bồ đề phát lộ trong quá trình khai quật.
Các nhà khảo cổ cũng cho rằng hình dáng lá đề của hiện vật hàm chứa giá trị biểu tượng gắn với Phật giáo. Thêm vào đó, đồ án trang trí chim phượng trong lòng lá đề là trung tâm và thể hiện tính biểu tượng cao nhất, vừa phản ánh giá trị biểu trưng của hoàng gia, vừa phản ánh giá trị biểu trưng của Phật giáo, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia.
"Xét trong bối cảnh thời Lý với sự phổ biến và phát triển mạnh Phật giáo Tịnh độ và tục thờ A Di Đà, việc lá đề trang trí chim phượng là một trong những hình tượng thể hiện tư tưởng của Phật giáo trong nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lý", hồ sơ bảo vật cho biết.
Lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, Hoàng thành Thăng Long hiện đang được trưng bày tại Phòng thời Lý thuộc không gian trưng bày "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm dưới lòng đất". Do giá trị đặc sắc, lá đề được trưng bày trong một tủ kính độc lập, tủ sử dụng loại kính đặc biệt với hiệu ứng gương cực thấp nhằm giúp người xem có cảm giác đang nhìn trực tiếp vào hiện vật, không qua lớp kính.
Theo Thanh niên
Góc gốm Bát Tràng khác
- Bàn thờ nên để 3 chén hay 5 chén nước?
- Thay bàn thờ mới phải thắp hương bao nhiêu ngày?
- Thay bàn thờ mới, bàn thờ cũ xử lý thế nào?
- Thay bàn thờ mới trong gia đình cần làm những gì?
- VÌ SAO ĐỨC PHẬT, BỒ TÁT NGỒI TRÊN HOA SEN?
- THẦN TÀI TRONG TÍN NGƯỠNG VĂN HOÁ DÂN GIAN CÁC NƯỚC
- Om mani padme hum là gì? Ý nghĩa câu thần chú trong đạo Phật
Góc gốm Bát Tràng
Hỗ trợ trực tuyến
-
Mr Tuyên
Thống kê truy cập
- Đang truy cập 8
- Trong ngày 32
- Hôm qua 280
- Truy cập nhiều nhất 4159
- Tổng truy cập 1423082