BẢO VẬT QUỐC GIA: LIỄN GỐM HOA NÂU - HỘP THỜ XÁ LỊ
Nhiều người cho rằng bảo vật quốc gia liễn gốm hoa nâu thời Lý trong bộ sưu tập An Biên chính là một hộp thờ xá lị.
Đóa sen thanh thoát, nhẹ nhàng
Chiếc liễn trong bộ sưu tập An Biên vừa được công nhận bảo vật quốc gia gồm hai phần rời nắp và thân lắp khớp với nhau. Nắp liễn hình cầu dẹt, vành miệng hơi loe, có núm cao hình bông sen nở với 3 lớp cánh. Vai liễn hộp chạm tỉa băng cánh sen nổi rất đều nhau, cánh to xen nhỏ, cùng với băng vạch ngắn song song bên dưới. Thân liễn dáng trụ, thành cong, phía trên nở, phía dưới thuôn, xung quanh thân liễn chia 10 ô đều nhau hình chữ nhật. Các góc lượn trên thân khiến thân liễn giống như một tòa sen 10 cánh. Chân đế liễn tạo hình một đài sen nổi đặt trên một mặt tròn, dưới đáy để mộc, tạo nên sự vững chãi bề thế. Nhìn tổng thể, liễn gốm này có dáng đẹp cân đối, thanh thoát, nhẹ nhàng.
Chiếc liễn gốm hoa nâu đặt xa lị
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết, nắp liễn không chỉ có đài sen nở với 3 lớp cánh mà còn có những hoa văn đặc biệt khác. Đó là những hạt tròn như hạt cườm trắng và nâu xen kẽ nhau giữa hai đường chỉ nổi song song. Nghệ nhân cũng đặt các vòng tròn tô men nâu xen kẽ vòng tròn tô men trắng. Theo Sở VH-TT Hải Phòng, điều này không chỉ làm nổi khối, tôn hoa văn mà còn thể hiện "biểu tượng của vòng âm dương hay vòng tròn sắc sắc không không, vòng luân hồi theo quan niệm Phật giáo".
Các mô tả của hồ sơ bảo vật cũng cho thấy hình ảnh đóa sen được liên tục nhấn đi nhấn lại khi tạo hình liễn. Trên thân là các cánh sen. Chân đế có những băng cánh sen, nâu trắng xen kẽ. Các nhà khảo cổ còn cho rằng: "Chiếc liễn/hộp gốm này như một bông sen lớn nhiều lớp cánh được nghệ nhân khéo léo thể hiện dưới dạng thức đang trong kỳ nở rộ, ngào ngạt sắc hương và tràn đầy nhựa sống". Bông sen nhiều cánh này cũng có hiện trạng tốt, với cấu trúc hình dáng lành nguyên; men bị sác, nắp có đường nứt nhẹ đã được tu sửa.
Qua màu men ngà điểm men nâu, tạo hình cánh sen tương đồng với nhiều hiện vật thời Lý, chuyên gia cho rằng chiếc liễn này có niên đại triều Lý, thế kỷ 11 - 12. Sự lặp đi lặp lại của các trang trí cánh sen, cũng như các vạch thẳng song song trên liễn, khiến nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ, mỹ thuật, di sản văn hóa VN nhận định, chiếc liễn gốm này thuộc dòng đồ phục vụ Phật giáo triều Lý. Các ý kiến còn nói cụ thể hơn, đây có thể là pháp bảo đặt xá lị, pháp thân để thờ phụng trong bảo tháp hay quốc tự, theo tinh thần xiển dương Phật pháp. Chính vì thế, trong hồ sơ bảo vật quốc gia, chiếc liễn còn có một tên khác là "hộp thờ xá lị".
Đặt xá lị của Đại lão hòa thượng
Hồ sơ bảo vật quốc gia về chiếc liễn hoa nâu thời Lý này cho biết việc tạo hình nắp liễn với núm hình bông hoa sen nở với 3 tầng cánh nổi, rỗng giữa, thông với thân liễn chính là "là đường thông thiên". Điều này được ghi trong hồ sơ là: "Gợi mở một không gian vô tận thông linh: thông cả thiên đường, thấu cùng địa phủ do sự vận hành vô thường và cũng là sự vĩnh hằng của vạn vật, nhân sinh. Lỗ thông linh hay cửa thông quang này chính là căn cứ xác định công năng đích thực của liễn là dùng để đặt xá lị của bậc Đại lão hòa thượng trong những ngôi chùa, bảo tháp triều Lý".
Dù không chỉ ra rõ ràng đây là chiếc liễn đựng xá lị của bậc Đại lão hòa thượng nào, song hồ sơ nhắc tới việc chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: thời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) có hai nhà sư là Nghiêm Bản Tính và Phạm Minh Tâm sau khi viên tịch đã để lại xá lị và những hạt xá lị này được nhà vua đem thờ tại chùa Trường Thánh.
Chi tiết tạo hình chia 10 múi gồ trên liễn để tạo nên một đóa sen sống động cũng được so sánh với nhiều liễn gốm hoa nâu thời Lý. Theo đó, các liễn thời Lý thường có phần thân trang trí hoa sen dây, cúc dây hay cảnh luyện võ, đấu vật, đi săn... chứ không phải đóa sen như ở hiện vật thuộc sưu tập An Biên này. Điều này được đánh giá là sự thể hiện quan niệm văn hóa cổ đại phương Đông về "Chín phương trời, mười phương Phật", có nghĩa là không gian bao la, rộng lớn nơi nào cũng có Phật. Hồ sơ cho biết, theo Phật giáo đại thừa, Phật tính bao trùm khắp cả mười phương càn khôn, vũ trụ. Chúng sinh khi tâm có Phật sẽ sống trong tỉnh thức, chánh niệm được Phật độ trì, phù hộ không rơi vào cảnh khổ.
Thêm vào đó, các nhà khoa học cũng cho rằng dáng liễn hình trụ cho thấy bóng dáng của chiếc thạp đồng Đông Sơn. Các băng văn vòng tròn nhỏ, vạch thẳng song song cách đó cả nghìn năm cũng được "hồi sinh" trong tạo hình chiếc liễn thời Lý này. Nhờ đó, văn minh Đại Việt vẫn kế tục tiếp nối.
Hồ sơ bảo vật quốc gia cũng cho rằng chiếc liễn hoa nâu thuộc bộ sưu tập An Biên này là tác phẩm tuyệt đẹp trong dòng gốm hoa nâu đậm sắc thái bản địa của người Việt. Dòng gốm này mang hơi thở, hồn cốt văn hóa, chính trị một nhà nước quân chủ, khi Phật giáo trở thành quốc giáo dưới thời Lý. Theo đó, việc tôn thờ xá lị sẽ nhận được nhiều phước huệ, và tùy theo mỗi người mà hóa hiện, thăng tiến trên sự nghiệp tu hành đắc quả Phật.
Theo hồ sơ bảo vật: "Liễn gốm này là một trong những điển hình cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Lý… Các học giả cho rằng chỉ một xã hội phát triển, thanh bình như thời Lý, những nghệ nhân làm gốm lấy đạo Phật di dưỡng tinh thần mới có thể tạo tác ra loại hình sản phẩm xuất sắc, giàu mỹ cảm văn hóa đến vậy".
Theo Thanh niên
Góc gốm Bát Tràng khác
- VÌ SAO ĐỨC PHẬT, BỒ TÁT NGỒI TRÊN HOA SEN?
- THẦN TÀI TRONG TÍN NGƯỠNG VĂN HOÁ DÂN GIAN CÁC NƯỚC
- Om mani padme hum là gì? Ý nghĩa câu thần chú trong đạo Phật
- VUI: Dự báo tổng quan vận khí tháng 7 của 12 CON GIÁP. P2
- VUI: Dự báo tổng quan vận khí tháng 7 của 12 CON GIÁP. P1
- Lễ hội vía Bà chúa Xứ Sam - nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng người Việt
- Diêu trì Địa mẫu là ai?
Góc gốm Bát Tràng
Hỗ trợ trực tuyến
-
Mr Tuyên
Thống kê truy cập
- Đang truy cập 5
- Trong ngày 587
- Hôm qua 1201
- Truy cập nhiều nhất 4159
- Tổng truy cập 1417726