Làng gốm Bát Tràng có lịch sử phát triển lâu đời. Theo các tài liệu nghiên cứu, năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Điều tất yếu, khi thủ đô dời về Thăng Long, thì các thương nhân, thợ thủ công cũng tìm về đây phát triển kinh tế. Bát Tràng, nơi có vùng nguyên liệu đất sét trắng dồi dào, trở thành nơi thu hút các nghệ nhân làm gốm. Cùng với sự phát triển qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, làng gốm Bát Tràng ngày càng lớn mạnh.

Làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm, Hà Nội, cách trung tâm thành phố hơn 10km về phía Đông Nam.

Sản phẩm gốm Bát Tràng từ trước tới nay đều được đánh giá cao về chất lượng, có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại, được chia thành các nhóm theo chức năng sử dụng như gốm gia dụng, đồ thờ tự, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng và gốm trang trí.Từ những chậu hoa cây cảnh đến bát đĩa ăn hàng ngày, dưới tay nghề của những nghệ nhân Làng nghề Bát Tràng, chúng đều được phủ lên mình những màu sắc, hoa văn tinh xảo, bắt mắt người xem.  Đến với Làng nghề Bát Tràng, không chỉ là tham quan, ngắm nghía, mọi người còn được tự tay mình nhào nặn những cục đất sét nên những chiếc cốc, những đồ gốm cực xinh theo ý muốn.

Gốm được tạo ra ở Làng nghề Bát Tràng là một quá trình khắt khe nhưng cũng hết sức độc đáo, thú vị, gồm có hai công đoạn chính: tạo cốt gốm và trang trí hoa văn, phủ men là công đoạn hoàn tất.  Tạo cốt gốm lại gồm nhiều giai đoạn nhỏ hơn: đầu tiên phải chọn đất; sau đó xử lý, pha chế đất; tạo dáng đất theo ý muốn và cuối cùng là phơi sấy và sửa sang lại hình dáng. Mỗi giai đoạn đều cần đến sự chuyên nghiệp và tay nghề khéo léo của các nghệ nhân, đặc biệt là việc trang trí và chế tạo men để tạo ra được những sản phẩm gốm sứ chuẩn phong thái Làng nghề Bát Tràng.

Với hơn 500 năm tuổi, Làng nghề Bát Tràng khiến mọi người cảm thấy thán phục đến kinh ngạc về những sản phẩm gốm sứ được tạo ra ở đây. Sản phẩm gốm sứ ở Làng nghề Bát Tràng nổi bật với chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong, loại men này sắc độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Đặc biệt là Bát Tràng đã có men lý, men nho, men này màu gần như màu ngọc thạch, nên được gọi là men ngọc. Ngoài ra, còn có men rạn là sự nhào trộn, kết hợp hài hòa giữa rạn xương đất đen và rạn xương đất trắng khá độc đáo. Nhờ lớp men phủ mà các sản phẩm ở Làng nghề Bát Tràng luôn sáng bóng, bắt mắt, các họa tiết hoa văn lên hình sắc nét, chuẩn màu mè và giữ được hình màu thật lâu với thời gian.

Góc gốm Bát Tràng khác