Tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam đã có nhiều nét riêng biệt phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên mỗi vùng miền. Nổi bật trong khu vực phía Nam là quần thể thờ Bà chúa Xứ tại núi Sam (tỉnh An Giang).

Trong tín ngưỡng của người dân Châu Đốc nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung, Bà Chúa Xứ núi Sam nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác. Đây là lễ hội tâm linh lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.

Bà Chúa xứ núi Sam

Theo truyền thuyết, từ xa xưa, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta. Có lần, chúng lên đỉnh núi Sam, gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển được tượng.

Một thời gian sau, nhiều người trong làng luôn mơ thấy tượng Bà hiện về tự xưng là Bà Chúa Xứ, báo mộng dân làng khiêng bà xuống núi lập miếu thờ, bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, bảo vệ dân làng khỏi nạn giặc cỏ. Dân làng thấy vậy, có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, nhưng không sao nhấc pho tượng lên được. Khi các bô lão trong làng cầu khấn, thì được mách “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng Bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng, Bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.

Tượng Bà chúa xứ núi Sam

Tượng Bà cao khoảng 1,65m, theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi quý phái, vương giả. Chất liệu tượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, có thể được tạc vào cuối thế kỷ VI sau Công nguyên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn là còn là điều bí ẩn.

Ban đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.

Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng, ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu.

Sự linh ứng của Bà Chúa Xứ vang xa, một đồn mười, mười đồn trăm…, người trong tỉnh đồn người ngoài tỉnh, người trong nước đồn người ngoài nước và như thế là hàng năm người dân, du khách từ khắp các tỉnh thành, từ nhiều vùng miền trong và ngoài nước tìm đến viếng Bà Chúa Xứ, tham quan miếu Bà. Miếu Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành điểm hành hương – tâm linh có ý nghĩa vô cùng quan trọng của vùng đất An Giang.

Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

Thời điểm này cũng là lúc đồng ruộng đã xuống giống. Có lẽ vì vậy mà những người nông dân địa phương tổ chức nhằm tạ ơn và cầu mong Bà cùng đất trời, thần thánh giúp mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, mùa màng tốt tươi,… Ngoài nông dân, các thành phần khác trong xã hội cũng tin và tôn thờ Bà, mong Bà ban phát lòng tin, tài lộc, sức khỏe, an vui trong cuộc sống.

Đêm 23 tháng 4 âm lịch là lúc diễn ra Lễ tắm Bà. Đây vốn là lễ tắm tượng thông thường nhưng với ngày vía Bà đây là nghi lễ quan trọng hàng đầu với người dân quanh vùng. Những người tham dự lễ đa phần quan niệm rằng: được nhìn thấy Bà và được lễ Bà sau Lễ tắm Bà sẽ rất may mắn. Vì vậy, từ chiều đã có đông đảo người dân đến chờ làm lễ. Trong thời gian đó, người dân được giúp vui bởi các tiết mục múa bóng rỗi từ các nghệ nhân khắp nơi đến biểu diễn cúng Bà. Đến 22 giờ, khách thập phương sẽ thực hiện nghi thức “dâng lễ vật” hay còn gọi là Nghi lễ tiến cúng áo mão. Khoảng 23 giờ, Ban quản trị miếu sẽ thực hiện nghi thức ra mắt và xin phép Bà để chuẩn bị tiến hành làm Lễ tắm Bà. Nghi thức bao gồm những việc như: niệm hương, dâng rượu, dâng trà và các lễ vật khác,…

Hoạt động tái hiện lễ rước Bà chúa xứ trên núi về Miễu Bà dưới dân núi Sam

Đến 0 giờ đêm 23 rạng sáng 24, Lễ tắm Bà chính thức diễn ra sau bức màn vải che kín. Nước tắm Bà có ngâm hoa lài pha lẫn nước hoa thơm ngát. Việc tắm Bà do một số phụ nữ đứng tuổi ở địa phương thực hiện bao gồm các bước: cởi mão, khăn, đai áo, áo ngoài, áo trong: tiếp theo là nhúng khăn lau khắp tượng bà, xịt nước hoa, mặc áo mới cho tượng, thắt đai áo, chít khăn vấn đầu. Cuối cùng là đội mão mới cho Bà. Việc này đặc biệt dành cho một số vị bô lão (nam) thực hiện để kết thúc lễ. Khi tấm vải che được kéo ra, người dự lễ ùa vào sớm mong được là người đầu tiên làm lễ và thấy được “dung nhan mới” của Bà.

Ngày 24 tháng 4 âm lịch, khách thập phương đến chiêm bái và lễ tế Bà tự do. Đến ngày lễ chính, ngày 25 tháng 4 âm lịch, khoảng 16h00, diễn ra Lễ Thỉnh sắc từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà Chúa Xứ. Đoàn rước gồm có lân, trống, Ban tế lễ, Ban quản trị Miếu Bà, các học trò lễ… với cờ phướn, cờ đại, các lễ bộ và một chiếc long đình sơn son thếp vàng. Nghi thức chính là đoàn rước sang làm lễ và thỉnh bốn bài vị (bài vị Thoại Ngọc Hầu và hai bà vợ cùng bài vị Hội Đồng, tức các quan dưới trướng ông) từ Lăng Nguyễn Văn Thoại đem về an vị tại Miếu Bà trong suốt những ngày Vía Bà.

0 giờ đêm 25 rạng sáng 26 tháng 4 diễn ra Lễ Túc Yết sau đó là Xây Chầu, Đại Bội với hình thức và nội dung tương tự như Lễ Kỳ Yên tại các ngôi đình Nam Bộ nói chung. Lễ cũng có heo toàn sinh làm lễ vật chính, cũng có chiêng trống, mõ, học trò lễ,… và có cả bài văn tế long trọng ca ngợi công đức của Bà.

Điều đáng chú ý nội dung bài văn tế có đề cập đến tên rất nhiều Mẫu và thần thánh của người Việt và các dân tộc khác kèm theo lời thỉnh mời tất cả các vị ấy cùng về ngự ở bàn thờ Hội Đồng để “đồng lai phối hưởng”. Sau khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc bắt đầu chương trình Hát Bội gồm nhiều vở tuồng và kéo dài nhiều buổi. Ngày 26 tương tự ngày 24, khách thập phương được lễ tế tự do.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 27 diễn ra Lễ Chánh Tế. Lễ này cũng giống như nghi thức của Lễ Đoàn cả diễn ra phổ biến trong Lễ Kỳ Yên. Đến chiều cùng ngày sẽ diễn ra Lễ Hồi Sắc với hình thức tương tự Lễ Thỉnh Sắc nhưng với mục đích là đưa các bài vị đã rước về chỗ cũ.

Ý nghĩa của lễ hội trong đời sống văn hóa tín ngưỡng

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo.

Lễ hội Vía Bà bên cạnh các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng hướng tới chủ điện thờ là một nhân vật huyền thoại, còn gắn với những nhân vật lịch sử - những người có công khai phá và bảo vệ vùng đất này - là vợ chồng danh tướng Thoại Ngọc Hầu cùng các bộ tướng và binh sĩ. Những hành trang đích thực được gắn kết với đời sống văn hóa tâm linh, đã góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử phát triển vùng đất phía tây - nam của Tổ quốc trong xã hội đương đại.

Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ, thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tham gia. Thông qua các hoạt động Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, thành phố Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung mong muốn quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, con người Châu Đốc và An Giang... qua đó, thu hút đầu tư, khách tham quan đến với vùng An Giang thân thiện và mến khách.

Tổng hợp st

Góc gốm Bát Tràng khác