Tác phẩm mô phỏng vị La Hán Trầm Tư được điêu khắc vào những năm 1940 bỗng được giới trẻ Trung Quốc thích thú.

Gây sốt bởi biểu cảm độc đáo, bức tượng "La Hán cạn lời" được trưng bày ở Bảo tàng Gốm sứ Cảnh Đức Trấn ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã thu hút vô số khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan, check-in.

Bức tượng Phật La Hán bỗng nổi tiếng với biểu cảm đáng yêu tại bảo tàng Gốm Giang Tây (Trung Quốc)

Tác phẩm độc đáo này là 1 trong 18 bức tượng La Hán trưng bày ở bảo tàng Gốm tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), được thực hiện bởi bậc thầy điêu khắc gốm sứ, ông Zeng Longsheng.

Đây là một nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo dựng các vị thần, chư Phật, La Hán và các nhân vật lịch sử. Tác phẩm của ông mang giá trị nghệ thuật cao, với những đường nét tinh xảo, sống động.

Bức tượng gây sốt là tác phẩm mô phỏng vị La Hán Trầm Tư, được đặt cố định trong phòng triển lãm ở tầng 6 của bảo tàng. Tác phẩm khắc họa hình ảnh vị La Hán đang thiền định, đôi mắt nhắm hờ cùng với biểu cảm "không thể nói lên lời".

Gương mặt của ngài được mô phỏng với đôi mắt nhắm hờ, tĩnh tại nhưng giống với biểu cảm 'cạn ngôn', 'không nói nên lời', gây chú ý với du khách tham quan. Theo ông Peng Guohong, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Cảnh Đức Trấn, sự phổ biến bất ngờ của 'Bồ Tát cạn lời' phản ánh sự quan tâm của giới trẻ hiện đại với văn hóa truyền thống, thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Từ khi có nhiều người đến tham quan, bức tượng của các vị La Hán xung quanh cũng được yêu thích không kém. Trên thực tế, các vị La Hán được khắc họa với những nét mặt sống động, biểu cảm giống y như thật.

Tài khoản chính thức trên WeChat của Đài truyền hình trung ương CCTV cho biết trong đợt nghỉ Quốc khánh Tuần lễ vàng năm 2023, bảo tàng Cảnh Đức Trấn đón lượng khách khổng lồ sau hiệu ứng 'Bồ Tát cạn lời'. Kết thúc đợt nghỉ lễ, bảo tàng phải đóng cửa bảo trì nhằm cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khám tham quan. Nửa đầu năm 2023, bảo tàng đã đón 670.000 lượt người, trong đó hơn 75% là giới trẻ, cho thấy ngày càng nhiều khách trẻ tuổi coi việc tham quan bảo tàng như một trải nghiệm du lịch quen thuộc.

Giang Tây được xem là 'cái nôi' của ngành gốm sứ Trung Hoa với bề dày lịch sử từ thời cổ đại. Những tác phẩm gốm sứ Cảnh Đức Trấn và Giang Tây đã được sản xuất, vận chuyển đi khắp Trung Quốc và các nước lân cận từ 1.700 năm trước. Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Cảnh Đức đã xuất khẩu một lượng lớn đồ sứ sang châu Âu. Gốm Giang Tây nổi tiếng bởi độ tinh xảo về màu sắc, đường nét, hình khối, thường dùng trong cung điện hoàng gia hoặc các nhà quan lại, quý tộc.

Tổng hợp

 

Góc gốm Bát Tràng khác