Từ quan niệm trong triết học cổ của người Trung Quốc, học thuyết ngũ hành đã phát triển và được ứng dụng vào mọi mặt đời sống các nước phương Đông bao gồm cả Việt Nam. Ngũ hành là một sơ đồ khái niệm gồm năm nguyên tố được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu đời sống, văn hóa, chính trị.

Ngũ hành là gì?

Ngũ hành gồm 5 yếu tố vật chất đóng vai trò lớn trong việc kiến tạo nên vũ trụ, bao gồm:

- Kim là các dạng kim loại có độ cứng và màu sắc khác nhau

- Mộc là cây cối, được mọc từ dưới đất lên, có đa dạng hình dáng, kích thước riêng biệt

- Thủy là dạng nước, bao gồm ở trên trời rơi xuống, trong lòng đất, trong ao, hồ, sông, suối… hoặc có thể là nước bốc hơi thành sương mù

- Hỏa là dạng lửa cháy, được hoạt động khi đốt cháy vạn vật

- Thổ là dạng đất, có ở khắp mọi nơi với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau

Xét về màu sắc, kim tượng trưng cho màu trắng; Hỏa là màu đỏ, Thổ là màu vàng, Thủy là màu đen; và Mộc là màu xanh. Đồng thời, đây cũng là những yếu tố quan trọng, có tác động rất lớn đến sự sống của trái đất và phát triển của con người.

Ngũ hành có đặc trưng là lưu hành, luân chuyển và biến đổi không ngừng.

Theo quan niệm của phương Đông, ngũ hành tồn tại và được ứng dụng trong tất cả phương diện của đời sống và công việc.

Các quy luật trong ngũ hành

Trong quá trình vận động để hình thành vạn vật, ngũ hành sẽ bao gồm quy luật tương sinh và tương khắc. Nghĩa là giữa 5 yếu tố sẽ có yếu tố sinh ra nhau nhưng cũng có những yếu tố khắc chế lẫn nhau để đảm bảo sự hài hòa, cân bằng trong phát triển, tồn tại. Quy luật ngũ hành tương sinh và tương khắc là sự chuyển hóa, vận động qua lại giữa Trời và Đất để tạo nên sự sống của vạn vật. Hai yếu tố này tồn tại độc lập với nhau bởi trong tương sinh luôn có sự kết nối giữa tương khắc và ngược lại, trong tương khắc luôn có sự tồn tại của tương sinh. Đó chính là nguyên lý cơ bản để có thể duy trì sự sống của vạn vật trên trái đất.

Quy luật tương sinh và tương khắc trong quá trình vận động, phat triển của ngũ hành

Ngũ hành tương sinh

Tương sinh có nghĩa là cùng thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau để cùng sinh trưởng, phát triển. Có thể lý giải ngũ hành tương sinh được chia thành 2 phương diện, bao gồm cái sinh ra nó và nó sinh ra, hay gọi cách khác là mẫu và tử.

Nguyên lý của quy luật ngũ hành tương sinh là:

- Mộc sinh Hỏa: Mối quan hệ giữa 2 yếu tố Mộc và Hoả được thể hiện qua việc cây khô (Mộc) có thể tạo ra ngọn lửa khi cháy. Hỏa lấy Mộc làm nguyên liệu đốt, cây khô sinh ra lửa. Vì thế, trong ngũ hành, điều này có nghĩa là Mộc sinh Hỏa, nói cách khác là Mộc tương sinh, hỗ trợ để yếu tố Hỏa có thể phát triển.

- Hỏa sinh Thổ: yếu tố Hỏa tức là lửa có khả năng đốt cháy mọi thứ xung quanh. Qua trình Hỏa đốt cháy các vật chất thành tro bụi, tro bụi rơi xuống đất, vun đắp thành đất. Có thể hiểu là Hỏa góp phần thúc đẩy Thổ sinh sôi, nhân rộng.

- Thổ sinh Kim: Thổ thường đại diện cho các nguồn tài nguyên như đất cát, đồi núi nơi mà các nguyên tố kim loại hình thành, tồn tại. Quá trình hình thành các loại khoáng sản, quặng tự nhiên đều diễn ra trong lòng đất nên Kim được hình thành từ trong Thổ.

- Kim sinh Thủy: Kim là kim loại, khi Kim gặp nhiệt độ cao sẽ tạo ra dung dịch ở thể lỏng. Vì vậy, trong ngũ hành, thể lỏng thuộc dạng nước. Từ đó, có thể hiểu là Kim sinh Thủy. Đồng thời, người xưa cho rằng, lấy quẻ Càn (đại diện cho Trời), Trời lại tạo ra được mưa.

- Thủy sinh Mộc: Thủy ở đây đại diện cho nước, một yếu tố quan trọng đối với sự sinh sôi, nảy nở của cây cối, vạn vật. Muốn cây cối (Mộc) phát triển cần có dinh dưỡng và một trong những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây là nước (Thủy). Vì vậy, có thể hiểu Thủy giúp duy trì sự sống của Mộc.

Ngũ hành tương khắc

Trong ngũ hành, có tương sinh thì cũng có tương khắc. Nhìn vào bảng ngũ hành, tương khắc có nghĩa là sự áp chế, sát phạt, cản trở sinh trưởng, phát triển. Cụ thể là sự vật này khắc chế, bài trừ, đối lập và hạn chế sự phát triển của sự vật khác. Sự tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng nhưng vượt quá ranh giới sẽ khiến vạn vật bị diệt vong, hủy diệt.

Giữa các yếu tố ngũ hành có mối quan hệ ức chế nhau để giữ thế quân bình, đó là quan hệ tương khắc. Người ta qui ước thứ tự của Ngũ hành tương khắc như: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.

Trong quy luật, ngũ hành tương sinh tương khắc bao gồm 2 mối quan hệ: cái khắc nó và cái nó khắc. Nguyên lý của quy luật tương khắc là:

- Thủy khắc Hỏa: khi lửa đang cháy, nếu dội nước vào lửa sẽ tắt.

- Hỏa khắc Kim: Lửa cháy lớn ở nhiệt độ cao sẽ khiến kim loại tan chảy thành nước. Do vậy, Hỏa khắc kim.

- Kim khắc Mộc: Bởi Kim là vật chất có thể sản xuất và tạo thành công cụ dao, rìu có thể khoan, cắt cây cối.

- Mộc khắc Thổ: Điều này có thể hiểu là cây cối hấp thụ, hút hết chất dinh dưỡng trong đất.

- Thổ khắc Thủy: bởi đất hút nước, đất dùng để đắp đập ngăn chặn được dòng chảy và bao quanh nước.

Như đã đề cập, quy luật tương khắc có 2 mối quan hệ. Nếu như cái nó khắc sở hữu một nội lực quá lớn sẽ khiến cho bản thân của nó bị tổn thương và không còn khả năng khắc hành khác nữa. Do đó đây được gọi là quy luật phản khắc. Ngũ hành phản khắc có quy luật cụ thể đó là:

 - Kim khắc Mộc nhưng trường hợp Mộc quá cứng cũng có thể khiến cho Kim bị gãy.

 - Mộc khắc Thổ nhưng trong trường hợp Thổ nhiều quá cũng khiến Mộc có khả năng bị suy yếu dần.

- Thổ khắc Thuỷ, khi Thuỷ quá nhiều sẽ khiến cho Thổ bị sạt lở và bị bào mòn.

- Thuỷ khắc Hoả nhưng khi Hoả quá nhiều cũng sẽ làm cho Thuỷ phải cạn đi.

-  Hoả khắc Kim, trong trường hợp Kim nhiều cũng có thể dập tắt được Hoả.

Đề cập như vậy để hiểu rằng, vũ trụ, tự nhiên là quá trình luôn luôn vận động, không dừng, không đứng im một chỗ nên khu vận dung quy luật ngũ hành vào đời sống, chúng ta cũng không nên quá cứng nhắc, dẫn đến hiểu sai và làm giảm hiệu quả khi vận dụng.

* Thông tin bài viết chỉ mang tính tổng hợp và tham khảo!

 

Góc gốm Bát Tràng khác