Tiếc số đồ gốm, sứ cổ mà cha sưu tầm bị nứt, vỡ chất đống trong kho, Nguyễn Khắc Duy (34 tuổi) tìm cách sửa chữa.

Gia đình anh Duy ở thành phố Sa Đéc có hơn 20 năm làm nghề kinh doanh, sưu tầm đồ cổ. Anh kể từ nhỏ đã theo cha đi khắp các chợ lớn, nhỏ tìm mua cổ vật, bản thân cũng tích lũy được kinh nghiệm lựa đồ nhưng chỉ dừng ở sở thích. Mãi đến năm 2010 khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng trai trẻ nhận thấy số đồ cổ có giá trị bị vỡ ngày càng nhiều nên nảy ý định khôi phục và bán cho người cần.

Những chiếc bình gốm cổ bị vỡ, sẽ được "vá " lại 

Ý định của anh Duy được gia đình ủng hộ dù không chắc thành công. "Chưa biết thì học, chứ tôi không thể nhìn những món đồ giá trị bị vứt bỏ chỉ vì chút khiếm khuyết", anh nói.

Chưa từng học lớp đào tạo hay được người đi trước chỉ dẫn, toàn bộ cách phục chế, nguyên vật liệu đều do anh tự mày mò, sau học theo video hướng dẫn trên Internet.

Làm nhiều, hỏng không ít nhưng chàng trai 34 tuổi chưa từng bỏ cuộc, anh nói mong muốn lớn nhất là tìm ra cách thức phục chế đồ cổ bị sứt mẻ, giúp gia đình và người chơi thỏa mãn nhu cầu sưu tầm. Để giảm thiểu tổn thất, Duy thử nghiệm trên món đồ có giá trị thấp, khi quen tay mới tiếp xúc với hàng cao cấp, độc bản.

Để phục chế một món đồ cổ bị sứt mẻ, nứt vỡ Duy nói cần bốn bước cơ bản. Đầu tiên dùng keo chuyên dụng AB pha theo tỷ lệ để đắp lại phần khuyết thiếu trên món đồ. Sau gò lại sao cho giống hình dáng ban đầu và chờ khô. Tiếp đến dùng giấy nhám chà lên bề mặt làm nhẵn. Cuối cùng là công đoạn pha màu, trang trí lại chỗ khuyến vừa mới hoàn thiện và phủ sơn bóng.

Với anh Duy, các bước đều quan trọng yêu cầu sự tỉ mỉ, tập trung cao độ. Như công đoạn pha keo sai tỷ lệ dễ khiến hỗn hợp nhanh khô hoặc khó kết dính; hay bước gò dáng phần khiếm khuyết phải thật cẩn thận, tỉ mỉ tránh để keo chảy xệ, mất phom. Nhưng tốn thời gian nhất là lúc pha màu, người thợ phải quan sát, nghiên cứu để tạo ra màu sơn gần giống với men gốc, sau thêm thắt, chỉnh sửa để có độ trùng khớp cao nhất. Tùy thuộc phải tình trạng hư hỏng của sản phẩm, anh mất từ một ngày đến cả tuần để hoàn thiện.

Ban đầu, anh dự định phục chế đồ cho gia đình, nhằm giải quyết hàng tồn kho. Nhưng khoảng bốn năm trở lại đây, khi đem một vài đồ cổ được vá lành đi giao lưu, nói rõ đây là đồ đã sửa chữa khiến nhiều người sưu tầm tìm tới anh Duy, ngỏ ý muốn hỗ trợ.

"Ban đầu tôi từ chối bởi vẫn chưa tự tin với tay nghề, lo sản phẩm làm ra không ưng ý khách. Nhưng thấy mọi người khẩn thiết, bản thân cũng mong khôi phục, trả lại hình dạng ban đầu cho món đồ thay vì để chúng bị bỏ xó, mất đi những giá trị vốn có nên đồng ý", người thợ chia sẻ.

Từ đó, anh Duy nhận nhiều đơn sửa chữa của người quen. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà sưu tầm tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Phước thậm chí Hà Nội cũng tìm đến. Chiếc nhẹ có vết nứt, nặng thì vỡ nát, mảnh vụn thu về không đủ, buộc thợ mất nhiều thời gian nghiên cứu, lắp dựng. Tiền công sửa trung bình từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, riêng các ca khó lên đến vài triệu đồng.

Anh Hoàng Anh, người chơi đồ cổ tại thành phố Sa Đéc, biết đến anh Duy qua các hội nhóm giao lưu, nhưng thành khách hàng thân thiết từ năm 2019.

Người đàn ông cho biết hiện rất khó tìm mua món đồ cổ "xịn", còn lành lặn bởi số lượng có hạn, nhiều nhà sưu tầm không có ý định nhượng lại hoặc nâng giá cao. Điều này khiến người chơi như anh tìm đến đồ cổ sứt mẻ, giá bằng 1/3 so với hàng nguyên vẹn, sau tìm thợ nhờ khắc phục khuyết điểm.

"Trên thị trường vẫn còn thợ sửa chữa đồ cổ nhưng đa phần phục vụ công việc kinh doanh cá nhân, không nhận làm ngoài. Khắc Duy là người duy nhất nhận sửa, mà giá phải chăng. So với đồ lành lặn, sản phẩm cậu ấy khôi phục gần như y chang nên tôi tin tưởng giao đồ", anh Hoàng Anh nói.

Từ đó đến nay, vị khách đã gửi hơn 100 món đồ cổ bằng gốm, sứ đến cửa tiệm nhờ sửa chữa,

Sau hơn chục năm theo nghề, anh Duy không nhớ đã sửa bao nhiêu món đồ bởi số lượng lớn. Từ đầu năm đến nay, anh nhận hơn 100 đơn hàng của khách, nhiều thời điểm công việc quá tải, buộc phải hẹn lấy sau vài tháng.

Công việc bận rộn nhưng anh Duy không thuê người giúp đỡ bởi đặc thù yêu cầu sự tỉ mẩn, các bước đều làm thủ công. "Tôi sợ người khác làm không ưng ý, sửa lại còn mất thời gian hơn, dễ gây ảnh hưởng đến khách nên tốt nhất lấy chất lượng bù số lượng. Có như vậy tôi mới được mọi người an tâm, tin tưởng giao đồ bởi món nào cũng quý hiếm, giá trị cao", anh nói.

Ngoài sửa chữa, anh cũng dạy nghề miễn phí cho những người có nhu cầu. Nhưng không ai trụ quá một tháng bởi công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo tay và am hiểu các kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử như kiến thức hóa học giúp sử dụng hóa chất trong chất tạo hình, pha màu; khả năng điêu khắc để tạo hình lại phần đã mất; năng khiếu hội họa vẽ lại hoa văn, họa tiết bị bong tróc; hay kiến thức khảo cổ nhằm tạo ra những bảng màu tương xứng với cổ vật.

"Tôi làm nhiều, hỏng nhiều mới có kết quả như ngày hôm nay nên luôn động viên người học cần kiên trì, chịu khó mong cái nghề không bị mất đi nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", anh Duy nói.

Nhận thấy việc khôi phục cổ vật có thể quảng bá nét đẹp văn hóa của Sa Đéc, chính quyền địa phương từng gợi ý đưa xưởng chế tác của anh thành điểm du lịch, nhưng người thợ xin từ chối. Anh giải thích công việc sửa chữa cổ vật không thể làm ở nơi đông người bởi khó tập trung, quá trình mài giũa bề mặt nhiều bụi mịn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh.

Không có cơ hội chia sẻ nghề độc lạ đến du khách, nhưng mỗi lần có người ghé thăm, anh vẫn dành thời gian đón tiếp, mong lan tỏa những điều tốt đẹp đến với người yêu đồ cổ, thích khám phá văn hóa. Bên cạnh đó, anh cũng khuyên các học viên, khách hàng nếu có ý định bán lại nên thành thật về tình trạng của món đồ, nói rõ về các vị trí sửa và lấy đúng giá, tránh biến hàng vỡ thành lành nhằm trục lợi, khiến người mua chịu tổn thất.

"Mục đích cuối cùng của tôi khi theo nghề là hồi sinh những món đồ cổ, để các thế hệ sau có cơ hội chiêm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc qua từng thời kỳ. Còn việc để chúng bị bỏ xó, trở thành phế liệu tôi không làm được. Nên còn nhu cầu sửa chữa tôi còn bám nghề", anh Duy nói.

Sưu tầm

Góc gốm Bát Tràng khác